Logo Emblem là một trong những phong cách thiết kế truyền thống và vẫn còn phổ biến trong thế giới thương hiệu ngày nay.
Nếu đi ngược thời gian trở về thời kỳ Tiền Trung Cổ hoặc xa hơn thế nữa, nhận thức của mọi người về ý nghĩa và tầm quan trọng của thiết kế logo không thể tồn tại.
Sức mạnh của thương hiệu và thiết kế logo chỉ bắt đầu hiện hữu trong giai đoạn thế kỷ 11 – thế kỷ 13, giai đoạn Trung Kỳ Trung Cổ khi xu hướng người dân nông thôn di cư đến sinh sống, làm việc tại các đô thị lớn ngày càng phổ biến. Phần lớn dân số thế giới không còn sinh hoạt theo mô hình tự cung tự cấp nữa, con người khi đó không thể tự mình tạo ra mọi của cải vật chất mà bản thân cần đến.
Sự lấn át của nền công nghiệp so với những giá trị nông nghiệp xưa cũ, buộc mỗi nhà bán buôn và mô hình kinh doanh ở thời kỳ này phải chạy đua phát triển, cạnh tranh không ngừng để duy trì vị thế của bản thân trên thị trường. Mong muốn tạo ra sự khác biệt cho mô hình kinh doanh của mỗi cá nhân, hộ gia đình và doanh nghiệp cũng từ đó mà ra đời.
Có một sự thật thú vị là mãi đến đầu thế kỷ thứ 16, con người mới có nhận thức và tư duy rõ rệt về xây dựng thương hiệu. Trong khi nhiều thế kỷ trước đó, những thiết kế logo thương hiệu đầu tiên đã bắt đầu xuất hiện ở châu Âu.
Bài chia sẻ này không chỉ đề cập đến lịch sử, quá trình ứng dụng của thiết kế logo nói chung trong thế giới thương hiệu, mà còn đi sâu vào phân tích vai trò và ý nghĩa của phong cách thiết kế Logo Emblem – một trong những phong cách thiết kế truyền thống và vẫn còn phổ biến cho đến hiện nay. Một số nội dung chính sẽ có trong bài như sau:
- Lược sử hình thành của các thiết kế logo thương hiệu, đặc biệt là logo emblem.
- 3 lý do sử dụng và tối ưu hiệu quả của logo emblem khi xây dựng thương hiệu.
- Những thương hiệu nào có thể (hoặc không nên) ứng dụng thiết kế logo emblem.
Ngay bây giờ sẽ là nội dung chi tiết, hy vọng các bạn đều sẽ theo dõi và thấu cảm một cách trọn vẹn nhất, để cùng đưa ra những ý kiến hay quan điểm cá nhân về chủ đề lần này.
Lược sử của phong cách thiết kế logo emblem
Khi nói đến phong cách thiết kế logo ngày nay, nhiều người sẽ ngay lập tức gọi tên phong cách thiết kế Brandmark và Wordmark, không quá khó hiểu khi cả hai đều là những định hướng logo thường gặp trong thế giới thương hiệu vài năm gần đây. Yêu cầu về tính hiện đại, tối giản và phần nào đó trẻ trung khiến các nhà thiết kế thương hiệu ưa chuộng hơn hai phong cách kể trên.
Brandmark và Wordmark tuy phổ biến, dễ bắt gặp nhưng không phải phong cách thiết kế logo lâu đời nhất. Phải nhìn vào dòng đời của hàng vạn hàng triệu thiết kế logo thương hiệu, ta mới có thể khẳng định tính lâu đời của phong cách Emblem – một định hướng thiết kế không còn phổ biến hiện nay, nhưng đã đặt nền móng cho chiều dài lịch sử các thiết kế logo đi qua nhiều thế kỷ, và vẫn còn tiếp tục trong tương lai.
Giai đoạn Trung kỳ Trung Cổ (kéo dài từ đầu thế kỷ 11 đến cuối thế kỷ 13) là một trong những thời kỳ hưng thịnh của thế giới nói chung, đặc biệt là với người dân châu Âu nói riêng.
Dân số và kinh tế châu Âu phát triển đến mức không thể tin nổi, từ sau những cuộc di cư của người Viking đến các quốc đảo, rồi Thánh Chế La Mã giúp mở rộng bờ cõi và văn hoá nước Đức đến một tầm vóc mới, nhưng quan trọng nhất phải kể đến các cuộc Thập Tự Chinh của chiến binh Công Giáo ở Jerusalem.
Nhiều ghi chép lịch sử tin rằng, giai đoạn Trung Kỳ Trung Cổ đã đưa con người phát triển đến mức “không thể phát triển hơn được nữa” – mãi cho đến cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19 khi công nghiệp hơi nước được khai mở và trở thành trụ cột của nhiều nền kinh tế.
Thế kỷ thứ 11 khi kinh tế bắt đầu phát triển, nhu cầu về tiêu dùng và trữ lượng hàng hoá của mọi người có những chuyển biến rõ rệt. Tuy nhiên, học vấn và trí thức trong đời sống phần lớn người dân thì không tỉ lệ thuận tương ứng. Giai đoạn này, việc biết chữ và được đi học để mở mang kiến thức vốn là đặc quyền của tầng lớp vua chúa, quý tộc.
Không biết chữ, không được đi học khiến đời sống của nhiều người dân trở nên khó khăn và bí bách. Điều này cũng đồng nghĩa rằng khi số lượng hàng hoá và cửa hàng trong một địa phương tăng lên, năng lực tiếp cận đúng hàng hoá có chất lượng, nguồn gốc rõ ràng của người dân địa phương đó lại “quay đầu” giảm xuống. Đến năm 1389, Vua Richard II của nước Anh đã đưa ra một quyết định quan trọng.
Ông yêu cầu các nhà sản xuất và kinh doanh bia rượu phải treo biển hiệu, có hình ảnh để nêu rõ hoặc kể lại chi tiết những gì mình đang làm. Theo thời gian, không chỉ những hộ gia đình kinh doanh bia rượu mà với bất cứ một mô hình kinh doanh nào khác, người ta cũng muốn “treo biển hiệu” để tự phân biệt và làm nổi bật bản thân mình trên thị trường.
Sau đó không lâu, mọi người bắt đầu thêm vào biển hiệu của họ những hình vẽ mang tính đặc trưng, làm nổi bật hơn nữa mô hình kinh doanh và ít nhiều phản ánh được tính cách, định hướng thương hiệu của mình. Chẳng hạn như thương hiệu The Green Dragon thì vẽ ảnh chân dung của một chú rồng màu xanh, hay thương hiệu The Tea Leaf thì có hình ảnh xanh mát của những lá trà.
Tất nhiên mỗi biển hiệu dù thông tin, hình vẽ bên trong là gì thì cũng đều phải có hình thù bên ngoài nhất định – ngày nay trong ngôn ngữ thiết kế đồ hoạ gọi là các shape hình ảnh. Có thể là hình tròn, hình tam giác, hình vuông hay cầu kì hơn nữa là hình tấm khiên, hình khung tranh,… được tạo ra từ những miếng ván gỗ.
Theo thời gian khi hiểu biết, trình độ và năng lực chuyên môn của cả nhà thiết kế lẫn đội ngũ thi công được cải thiện, chúng ta mới được chứng kiến sự xuất hiện của nhiều phong cách thiết kế logo mới – kèm theo yêu cầu và kỳ vọng ngày một cao hơn từ phía đối tác xây dựng thương hiệu.
Còn suốt hàng thế kỷ trước đó, phong cách logo Emblem đã song hành và trở thành chứng nhân lịch sử của nhiều thương hiệu lâu đời, uy tín cũng như tạo được tiếng vang lớn trong tâm trí người tiêu dùng. Có lẽ vậy nên thiết kế logo Emblem cũng thường gắn bó với các thương hiệu trăm năm, sở hữu lượng người hâm mộ lớn dù có đặt nặng tính thương mại hay không.
3 lý do để sử dụng thiết kế logo Emblem
Jessica Walsh – Giám Đốc Sáng Tạo và là Nhà thiết kế nổi tiếng từng làm việc với Adobe, Levi’s đã nhận định rằng: “Nếu một thiết kế mà không có ai ghét nó, thì cũng chẳng có ai thích nó.” Phong cách thiết kế logo Emblem là một ví dụ điển hình cho câu nói này, dĩ nhiên là theo chiều hướng tích cực.
Khác với giai đoạn ban sơ khi là phong cách thiết kế logo duy nhất và sớm trở thành tiêu chuẩn trong thiết kế thương hiệu, càng về sau phong cách logo emblem lại càng nhận về những ý kiến trái chiều, những sự nghi ngại về tính ứng dụng của nó trong điều kiện thực tế.
Có không ít người đặt nghi vấn cho tính ứng dụng và độ hiệu quả của thiết kế logo emblem, ở chiều ngược lại cũng rất nhiều người yêu thích rồi ưu tiên sử dụng logo emblem cho thương hiệu, doanh nghiệp và mô hình kinh doanh của mình. Thậm chí có nhiều doanh nghiệp, đội ngũ thương hiệu buộc phải sử dụng logo emblem để tuân thủ theo chính sách, quy định hay tiêu chuẩn của lĩnh vực mình đang tham gia.
Vậy vì sao một doanh nghiệp hay tổ chức nào đó nên sử dụng, hoặc phải sử dụng thiết kế logo emblem? Câu trả lời sẽ có ngay bên dưới.
Logo Emblem truyền tải thông tin đầy đủ và chi tiết
Ngay từ ban đầu được sử dụng bởi những hộ kinh doanh bia rượu, logo emblem đã trở thành phương tiện truyền đạt nội dung đầy đủ, chi tiết nhất trong một thiết kế được tối ưu – tất nhiên rồi vì biển hiệu của mỗi hộ kinh doanh thì không thể to bằng cả một chiếc xe tải, hay thậm chí cả một toà nhà như những tấm banner quảng cáo ngoài trời hiện nay.
Nếu như những thiết kế logo tinh gọn, tối giản ngày nay đang đặt ra thách thức thật sự cho các đội ngũ thương hiệu, trong việc xây dựng và giải thích ý nghĩa thiết kế thì logo emblem mang đến trải nghiệm ngược lại hoàn toàn. Bản thân thiết kế của các logo emblem đã tự động giải thích, kể lại hành trình mà nó được tạo ra một cách chân thực nhất.
Chẳng hạn như hai nửa xanh trắng trên logo emblem của BMW, chính là màu sắc lá cờ xứ Bavaria nơi thương hiệu xe Đức ra đời. Hoặc biểu tượng vương miện trên logo một số đội bóng Tây Ban Nha như Real Madrid hay Real Sociedad, là đại diện của tước hiệu “Hoàng Gia” được Nhà vua phong tặng cho những đội bóng này.
Thiết kế logo emblem không khiến bạn thắc mắc vì sao logo của Apple là quả táo cắn dở, thay vì một quả táo còn nguyên, hay biểu tượng của nguyên tố Sắt thì liên quan gì đến câu chuyện xây dựng thương hiệu Volvo. Mặt khác, các tín hiệu nhận diện quan trọng trên logo emblem như hoa văn, màu sắc đặc trưng vẫn sẽ luôn ở đó dù thiết kế tổng thể của logo có thay đổi theo thời gian.
Logo Emblem phù hợp với các thương hiệu mới và nhà khởi nghiệp
Khả năng truyền tải thông tin đầy đủ và chi tiết cũng là một “ưu điểm” vượt trội, để thiết kế logo emblem được ưa chuộng hơn bởi những nhà khởi nghiệp và thương hiệu mới trên thị trường. Ngay cả những thương hiệu nổi tiếng thế giới, đi đầu ở trong lĩnh vực của họ hiện nay thì ở giai đoạn mới thành lập, thiết kế logo emblem cũng là phương án được tính đến trước tiên.
Ở đầu thế kỷ 20 thì làm sao người ta biết hai chữ RR lồng vào nhau là biểu tượng của Rolls-Royce, hay vào thập niên 80 thì hiếm ai biết rằng quả táo cắn dở là logo thương hiệu của Apple. Trước khi tinh gọn và tối giản thiết kế logo như một quy luật tự nhiên, hầu hết các thương hiệu toàn cầu đều ít nhất một lần sử dụng logo emblem – trong suốt lịch sử thiết kế hình ảnh và logo thương hiệu của họ.
Những doanh nghiệp và thương hiệu “sinh sau đẻ muộn” hiện nay càng không thể đứng ngoài xu thế đó, với việc lựa chọn logo emblem là hướng đi tối ưu để cải thiện năng lực nhận diện thương hiệu trên thị trường. Đặc biệt trong một thị trường hàng hoá và dịch vụ với quá nhiều những thiết kế logo tối giản, việc chọn lựa rồi sử dụng logo emblem sẽ trở thành một điểm nhấn thú vị cho tổng thể thiết kế nhận diện.
Ở một khía cạnh khác, các logo emblem khi được thi công hoặc chuyển đổi thành ấn phẩm nhận diện như thẻ đeo, ghim cài áo,… cũng hạn chế phần nào tính phức tạp trong quá trình thực hiện và đảm bảo gần như nguyên vẹn thiết kế trên không gian digital.
Logo Emblem duy trì được tính ổn định và nhất quán
Một ưu điểm nữa của logo emblem được thể hiện ngay từ cấu tạo chung của nó mà ta không thể quên nhắc đến – đó là tính ổn định và nhất quán của thương hiệu luôn được duy trì. Với toàn bộ đường nét và chi tiết đều được cố định trong một shape hình ảnh như đã nói: có thể là hình tròn, hình tam giác, hình tấm khiên,… nên mức độ an toàn của tổng thể thiết kế logo emblem là không thể bàn cãi.
Cũng nhờ các shape hình ảnh với tính tượng hình cao, logo thiết kế theo phong cách emblem còn mang đến cảm giác bền vững và đáng tin cậy về mặt thị giác. Bản thân những khách hàng, người hâm mộ hay bất cứ ai mà đội ngũ doanh nghiệp muốn tiếp cận và thuyết phục, cũng cảm nhận được sự uy tín mà thương hiệu tạo ra – ít nhất là trong thiết kế nhận diện thương hiệu.
Bàn một chút về insight thương hiệu, bản thân các tổ chức và đội ngũ doanh nghiệp đang thống nhất sử dụng thiết kế logo emblem cũng có thói quen liên tục kiểm tra, đánh giá rồi không ngừng cải thiện tính nhất quán cho cả một hệ sinh thái hay lĩnh vực mình theo đuổi.
Chẳng hạn như hồi cuối năm 2022, liên đoàn bóng đá Anh FA đã siết chặt thêm các quy định về tính nhất quán giữa logo đội bóng với mẫu áo thi đấu sân nhà. Cụ thể các đội bóng phải duy trì được tính đồng bộ, có liên quan phần lớn giữa thiết kế logo với thiết kế mẫu áo thi đấu sân nhà của đội. Tất cả những cải tiến, thay đổi dù nhỏ nhất cũng phải được tham khảo ý kiến của hội những người hâm mộ.
Một số lưu ý khi sử dụng thiết kế logo emblem
Thiết kế logo emblem có nhiều ưu điểm là điều chắc chắn, nhưng ngược lại vẫn tồn đọng một số hạn chế đến nỗi cần loại bỏ phương án sử dụng logo emblem ngay, hoặc cân nhắc kỹ lưỡng trước khi sử dụng. Có những thương hiệu nên sử dụng (hoặc buộc sử dụng) logo phong cách emblem, thì cũng có các thương hiệu cần tránh hoặc cân nhắc với những phong cách thiết kế khác.
Một số thương hiệu mang tinh thần và hơi thở của sự trẻ trung, hoặc hướng đến khách hàng mục tiêu là giới trẻ cần tránh việc sử dụng logo emblem. Chẳng hạn như các thương hiệu nước ngọt có gas, sản phẩm công nghệ hay hàng điện tử tiêu dùng có giá thành phải chăng. Vì thiết kế logo emblem mang theo tinh thần của sự cổ điển, trang trọng và hạn chế những động thái nhằm “thoát khỏi vùng an toàn.”
Thêm một lưu ý khi chuyển đổi giữa các phong cách thiết kế logo, nếu bạn đã quyết định chuyển đổi từ logo emblem sang logo mang phong cách hiện đại, tối giản hơn thì đừng nghĩ đến chuyện sẽ quay trở lại với phong cách emblem trong tương lai. Ngay cả khi thương hiệu sử dụng logo phong cách tối giản, hiện đại ngay từ đầu thì cũng không nên chuyển sang logo emblem sau đó.
Vì thiết kế emblem so với phần còn lại của các phong cách thiết kế logo có sự khác biệt rõ ràng, mạnh mẽ về ngôn ngữ thiết kế và cả cách thể hiện trên nhiều môi trường khác nhau. Chuyển đổi hoặc cải tiến thiết kế logo mà thiếu tính toán về độ hiệu quả, tính ứng dụng hay cảm xúc của khách hàng cũng làm đe doạ đến vị thế của thương hiệu, đặc biệt là về mặt thẩm mỹ trên thị trường.
Tổng kết lại, như những chúng tôi đã chia sẻ trong bài viết lần này: thiết kế logo emblem phù hợp nhất với các thương hiệu lâu đời, hướng đến đại chúng và có thể không đặt nặng tính thương mại. Những thương hiệu mới nổi, nhà khởi nghiệp sau một thời gian sử dụng logo emblem nên cân nhắc tinh gọn, tối giản hơn thiết kế logo để phù hợp với quy luật tự nhiên.
Xin chân thành cảm ơn,